Phi lộ

Các bạn đang cầm trên tay cuốn sách kỳ dị của một người Việt Nam đương đại. Tác giả cuốn sách này là bạn đồng niên với tôi. Trước khi tặng tôi bản thảo sao chụp cuốn CÁNH CỬA TRƯỜNG SINH chưa in thành sách ông đã nói với tôi bằng tất cả lòng nhiệt thành cao tột rằng ông muốn cứu con người của hệ mặt trời thoát hủy diệt bằng lý thuyết trường sinh và thực hành “Khí Công Tâm Trí Niệm Pháp” của ông. Bước đầu lý thuyết trường sinh nâng tuổi thọ con người lên từ 150 tuổi đến 600 tuổi, các bước tiếp theo tiến dần tới trường tồn vĩnh cửu. Theo lý thuyết của ông con người trái đất sẽ tự thanh lọc dần tới trạng thái chỉ có năng lượng mà không có khối lượng.

Hẳn bạn đọc sẽ thấy phi lý. Tôi hiểu sự phi lý đó và cũng thấy phi lý như vậy. Nhưng có điều rất có lý là nhu cầu tìm hiểu sự phi lý của con người, và mơ ước thì không bao giờ phi lý.

Bạn tôi có hoài bão thay đổi tuổi thọ con người, thực chất là biến đổi con người đương đại thành một giống người mới bằng thực hành day xoáy huyệt trên cơ thể và khí công theo phương pháp riêng mà ông đã nghiên cứu tổng hợp và thực nghiệm bằng chính cuộc sống thân thể của ông. Cùng một ý tưởng như CÁNH CỬA TRƯỜNG SINH năm 1998 một nhà văn Pháp lừng danh: Michel Houellebecq đã viết cuốn HẠT CƠ BẢN mô tả quá trình cải tạo, biến đổi giống người đang tồn tại trên trái đất thành giống người mới hoàn thiện toàn diện. Giống người cũ (chúng ta hiện nay) cần thiết tuyệt chủng.

Nếu như tác giả viết sách này khi ông 100 tuổi, chỉ cần 100 tuổi thôi, tôi tin chắc sẽ có nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư thành lập Trường Đại học “Trường Sinh” giảng dạy quảng bá lý thuyết của ông, các nhà đầu tư còn mơ mộng hơn tác giả nhiều. Thật đáng tiếc tác giả sinh năm 1952, niên kỷ chưa nhiều tuy vậy chúng ta thử xem lại lịch sử môn “giả kim thuật” của các nhà luyện đan khi xưa ôm mộng luyện chì thành vàng, thật phi lý. Con đường thực hành phi lý đó đã đem lại nhiều lợi ích cho con người. Nhiều môn khoa học mới ra đời từ sai lầm của các nhà “luyện đan” thời trung cổ. Ngay cả lích sử ngành hàng không của chúng ta cũng bắt đầu từ những khao khát phí lý với đương thời, nhưng chân thành phi thường.

Tôi thích sự phi lý của cuốn sách CÁNH CỬA TRƯỜNG SINH vì tác giả cũng chân thành phi thường. Có thể chúng ta sẽ tìm ra phương pháp khác để trở thành vĩnh cửu. Nhân loại buổi ban sơ đã mơ ước bay lên được và bay đi. Bay đi đâu? Tại sao từ đời này qua đời khác coon người đã dành hết trí lực cho việc nhìn vào bầu trời, cho việc bay cao và bay xa. Có thể đó là khát vọng về quê. Có thể từ trong tiềm thức con người biết quê mình ở trên kia xa lắm. Một năm tuổi của mặt trời là một vòng mặt trời bay quanh tân thiên hà của chúng ta. Để đi hết một vòng tuổi mặt trời trái đất trải qua khoảng 250 triệu năm quay quanh mặt trời. Vậy là hàng trăm triệu năm trước mặt trời đưa trái đất bay qua đâu đó và sự sống ra đời. Sinh khối trên trái đất phát triển đến hôm nay chưa được nửa tuổi mặt trời. Liệu chúng ta sẽ bay qua đâu nữa, liệu trái đất có qua vùng gió băng bão lửa, vùng sóng hạt kỳ lạ …? Làm sao biết được con người sẽ tồn tại cách nào trên bề mặt trái đất như thế. Có thể đâu đó trong vũ trụ có vùng phù hợp cho mọi dạng sống phát triển. Nơi đó hiện nay đang tập trung nhiều dạng người (con người hiểu theo nghĩa mở rộng) từ lâu rồi. Họ đã kịp tới đó trước chúng ta. Có thể chúng ta đến muộn vì khoa học chúng ta chưa đủ khả năng. Bạn tôi bằng cách riêng, bằng trí tuệ đặc biệt và thực nghiệm bản thân (dù chưa được trăm tuổi) muốn đưa con người sớm tới vùng bình an hạnh phúc của vũ trụ. Đưa con người trái đất sớm về quê.

Sách CÁNH CỬA TRƯỜNG SINH làm tôi liên tưởng tới cuốn NHẬT KÝ VŨ TRỤ CỦA ION LẶNG LẼ mô tả cuộc sống của hàng nghìn giống người khác nhau tồn tại bất tử rải rác khắp vũ trụ, tác giả là Xtanixlap Lem – một tác giả tôi yêu thích từ thiếu niên.

Nay đọc CÁNH CỬA TRƯỜNG SINH tôi thấy mình trở lại thời thiếu niên ngay ở tuổi 56 và đầy lòng cảm kích viết lời giới thiệu này.

Tp Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 03 năm 2008
Hồng Hoang Hồng Hưng